Vùng núi thâm u chạy từ Trường Sơn ra đến biển giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng từ xưa đã được các nhà địa chí học chú ý miêu tả. Dương Văn An đời Mạc viết: “Núi ở cửa ải Hải Vân huyện Tư Vinh. Chân sát lợi bể, ngọn ngất từng mây; núi chia hai đường nam bắc, mây đưa những khách đi về. Chính là giới hạn chia hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Nam, rất là bao la hiểm hóc. Từ địa phận Thuận Hóa, theo đường đi bộ ước hơn một ngày thì đến địa phận Quảng Nam. Thực là một nơi xung yếu lớn của hai hạt, ở đó có lập đồn ải để canh phòng”(1). Lê Quý Đôn cũng nói tương tự: “Núi Hải Vân ở Hải Vân quan, huyện Tư Vang, dưới xuống sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam, có cửa ải, đặt binh canh giữ. Tự đấy theo đường núi đi hơn một ngày là đến địa phận Quảng Nam”(2). Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) có bài thơ vịnh:
Việt Nam hiểm ải thử sơn diên,
Hình thế hồn như Thục đạo thiên.
Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh,
Bất tri nhân tại kỉ trùng thiên.
Tạm dịch:
Núi này hiểm nhất Việt Nam ta,
Hình thế như đường Thục khó qua.
Chỉ thấy mây dăng ba đỉnh ngất,
Biết người ở mấy lớp trời xa!
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỉ XX, sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn cũng ghi: “Núi Hải Vân ở phía đông nam huyện Phú Lộc, là chỗ giáp giới phủ Thừa Thiên và Quảng Nam, nửa đèo về Bắc thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, nửa đèo về Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam, trước kia là chỗ bàn thạch có khắc gỗ để ghi. Phía tây núi là Bà Sơn, phía bắc là Hải Sơn, ba ngọn liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy dăng đến bờ biển, đường đi chín khúc vòng mới vượt qua đèo, hai bên cây lớn um tùm, người đi như vượn leo chim vượt, thật là hiểm trở”(3). Ngay nhà sư Trung Quốc Thạch Liêm hòa thượng đến Phú Xuân năm 1694 – 1695, khi đi qua đây cũng không quên mô tả vài dòng: “Từ Thuận Hóa vào Hội An đường bộ tất do Ngãi lãnh (đèo Hải Vân). Sách Dư kí bảo rằng: Khoảng tháng 2 tháng 3, hoa ngãi nở, trôi ra biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng, tức hoa ngãi ở núi này vậy. Núi cao nắng gắt, trèo qua rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn”(4). Nhưng đi thuyền theo đường biển thì lại phải vượt vùng sóng to gió lớn nguy hiểm ngoài chân núi, tục gọi Hang Dơi trong câu ca dao:
Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi.
Cứ theo các thư tịch nêu trên, thì Hải Vân là vùng ranh giới tự nhiên giữa hai xứ Thuận Hóa (tức tỉnh Thừa Thiên) và Quảng Nam, còn đường ranh giới cụ thể đi qua những điểm nào thì không thể khảo sát được. Một điều đáng chú ý là xứ Thuận Hóa được xác lập năm 1466 dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) bao gồm cả huyện Điện Bàn, còn xứ Quảng Nam thì ra đời năm 1471, mãi đến năm 1570, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mới tách Điện Bàn thành một phủ lệ vào xứ Quảng Nam, thế mà sách Ô Châu cận lục (Dương Văn An nhuận chính và viết tựa năm 1555 đời Mạc) lại bảo Hải Vân “chính là giới hạn chia hai tỉnh Thuận Hóa với Quảng Nam”, phải chăng do người sao lục đời sau sửa chữa thêm bớt? Điều chắc chắn là vùng rừng núi này rất hiểm trở, nên các triều đại cổ đều chú ý “lập đồn ải để canh phòng”.
Đầu thế kỉ XIX, Phú Xuân – Huế trở thành thủ đô của cả nước, vị trí ấy càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự. Vì thế, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, “ngạch trước viết ba chữ HẢI VÂN QUAN, ngạch sau viết sáu chữ THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN. Cửa trước bề cao và bề dài đều 15 thước, bề ngang 17 thước 1 tấc, cửa sau bề cao 15 thước, bề dài 11 thước, bề ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc; hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau”(5). Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm. Sau đó, triều đình “phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ”(6).
Hải Vân Quan ngày nay
Về mặt quản lí và canh phòng cửa ải Hải Vân, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết thêm: “Đầu đặt một viên phòng thủ úy đóng lâu, biền binh thì hàng tháng thay đổi; năm thứ 17 (1836), đặt hai viên phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại cấp cho thiên lí kính (ống nhòm) để xem ngoài biển, phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Năm thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Dụ đỉnh”(7). Như đã dẫn trên, biền binh lấy ở các quân Hữu Sai và Ứng Sai; Hữu Sai thì có 5 đội thuộc vệ Cẩm Y, 4 đội thuộc vệ Giám Thành, Ứng Sai thì thuộc vệ Giám Thành. Như vậy, Hải Vân quan do chính viên đề đốc Kinh thành quản lí, dưới quyền quan phủ doãn phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải này, triều đình chuẩn định “Từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”(8). Vì thế, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn mới liệt cả núi Hải Vân lẫn cửa Hải Vân vào quyển Kinh sư – Thừa Thiên phủ.
Tóm lại, theo các cứ liệu thư tịch học, chúng ta ngày nay có thể nói một phần lớn vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển với đèo Hải Vân (đèo Ngãi) hùng vĩ kia là thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, còn di tích Hải Vân quan thì thuộc nhiệm vụ quản lí của các cơ quan bảo tồn bảo tàng tỉnh nhà.
(*) Bài đã đăng trên Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 28, 1998.
(1) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, bản dịch: Bùi Lương, Văn Hóa Á Châu, Sài Gòn, 1961, tr.13.
(2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch: Đỗ Mộng Khương…, Khoa Học, Hà Nội, 1964, tr.95.
(3) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Kinh sư – Thừa Thiên phủ, bản dịch: Viện Sử Học, Thuận Hóa, Huế. 1993, tập 1, tr. 131 – 132.
(4) Thích Đại Sán, Hải ngoại kí sự, bản dịch, Viện Đại học Huế, Huế, 1963, tr.132.
(5), (6) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch: Viện Sử Học, Khoa Học, Hà Nội, tập VIII. 1964, tr.22,23.
(7) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, s.đ.d., tr.168 – 169.
(8) Theo Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí đã dẫn.