Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Điện lực Phú Lộc: Hưởng ứng, tham gia cuộc thi viết “ Là con người thợ điện”.
Ngày cập nhật 08/07/2024

Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động Cuộc thi viết "Là con người Thợ điện"; Cuộc thi bắt đầu từ ngày 01/6 đến 01/7/2024; đối tượng tham gia cuộc thi là các cháu học sinh độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi là con của đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các đơn vị trong EVN.

Cuộc thi là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì Trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 70 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.

Cuộc thi góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học, chăm lo cho thế hệ tương lai của các gia đình CBCNV EVN trên mọi miền đất nước. Đồng thời thể hiện tình cảm và niềm tự hào về 70 năm phát triển của ngành Điện lực Việt Nam; cơ hội để quảng bá giới thiệu thêm với khách hàng, người dân thêm hiểu và mến yêu công việc đặc thù của người lao động ngành Điện đóng góp vào sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân.

 Hưởng ứng và tham gia cuộc thi, Điện lực Phú Lộc có cháu Nguyễn Thanh Nguyên Phương, học sinh lớp 11 trường THPT Phú Lộc, là con của anh Nguyễn Thanh Hà-Tổ trưởng tổ Quản lý đo đếm Điện lực Phú Lộc.

Bài viết có tựa đề “ Nghề của ba”, nội dung bài viết nói lên cảm xúc, tình cảm, lòng biết ơn và niềm tự hào của người con khi có bố làm ngành điện, cảm thông, thấu hiểu với nỗi vất vả của bố cũng như các chú đồng nghiệp, những  “người lính áo cam” trong công việc hàng ngày.

Chi tiết nội dung bài viết tham gia dự thi:

Nghề của ba!

   Nghề của ba trong lòng con trẻ!

   Con đã từng rất ngưỡng mộ ba của bạn, bởi con yêu màu áo lính của ba bạn ấy, con ngưỡng mộ ba bạn kia với bộ quân phục của cảnh sát hình sự. Con đã tha thiết biết bao nhiêu với ước mơ ba của mình cũng làm nghề “rất oai” như ba của bạn ấy. Chính vì vậy tuổi thơ con, con chỉ muốn được mẹ chở đến trường, vì con yêu và tự hào về nghề giáo của mẹ! Con không thích ngồi sau xe ba, vì trên chiếc xe cũ sờn của ba có biết bao thứ lễnh kễnh nào là: thang, hộp đồng hồ, dây điện…

   Nhưng tất cả đã thay đổi từ khi!

   Vào một buổi trưa, dưới cái nắng gây gắt của những ngày đầu hè , con đi học về mồ hôi nhễ nhãi, vội mở cánh cửa sau hông nhà, vô tình bắt gặp hình ảnh những chú thợ điện ( đồng nghiệp của ba) đang còn trèo trên cột điện rất cao để sửa điện. Con thấu cảm với nỗi vất vả của các chú, con hiểu biết bao nhiêu cơ sự, thấu nỗi nhọc nhằn của “người lính áo cam”. Các chú đã bất chấp thời tiết để mau chóng khắc phục sự cố, để điện về lưới, phục vụ cho bà con nông dân những ngày nắng nóng. Trong lòng một đứa trẻ như con cảm thấy biết ơn và kính phục. Con vội lấy giấy viết vài dòng thơ gửi ba:

“Chào chú thợ điện

Chú leo cao thế

Trời Huế nắng trưa

Như thiêu như đốt

Chú vẫn hăng say.

Ở trên gió mát

Chú thích lắm sao

Hay không biết mệt

Cả buổi trưa hè .

Cháu ở trong nhà

Nằm bên quạt mát

Cánh quạt quay đều

Cho giấc ngủ ngon.

Chú ở trên cao

Mồ hôi nhễ nhại

Mệt nhoài chi mấy

Cho người giấc say

Cháu yêu chú lắm!

Điện sáng về nhà

Cho mẹ nấu cơm

Em thơ học tập

Nhà máy quay đều

Ai nấy cũng vui

Nhờ chú thợ điện.”

     Cũng từ giây phút ấy con tự hào vì mình là “con người thợ điện!”

     Con còn nhớ một kỷ niệm, năm mẹ sinh em gặp phải một cơn bão lớn, cả xóm đi di tản sang những nhà có mái bằng, chỉ riêng nhà mình còn ở lại vì em còn quá nhỏ. Cơn bão lớn, thổi từng hồi, tiếng gió rít, rú, mỗi người đều im lặng nguyện cầu cho sự bình an. May mắn lốc xoáy vừa qua cả nhà vẫn bình yên, chỉ có mái tôn đã bị gió thổi đi vài tấm. Chưa kịp định thần, nhà cửa bề bộn, ba đã nhận lệnh “bão đã đi qua cây cối gãy nhiều, anh em ra quân”. Ba đi giữa lúc trời còn gió tiếng cây còn xào xạc lòng mẹ và con không khỏi lo lắng. Khoảng một tiếng sau, đồng nghiệp chở ba về, mặt ai cũng tái xanh vì lạnh, riêng ba được một chú cõng vào vì bị cây đè đứt luôn cả dây mũ bảo hiểm, cổ ba bị chấn thương phải nhập viện. Con lo lắng cho bệnh tình của ba, con lại càng thấu hiểu sự cao cả của nghề mà ba chọn!

    Rồi một ngày,  đó là 21/12 ba vui vẻ trở về trên gương mặt ngập tràn hạnh phúc. “Ba đố cả nhà hôm nay là ngày gì? Đoán trúng có thưởng” cả nhà suy nghĩ mãi… ngày quân đội nhân dân thì chưa đến, ngày nhà giáo đã qua, ngày lực lượng vũ trang nhân dân chưa tới…! cả nhà chịu. Ba nhẹ giọng bảo rằng: “ hôm nay ngày truyền thống  ngành điện Việt Nam” Cả nhà chúc ba một câu chúc mừng muộn trong ngày, và cũng từ ngày đó con dặn lòng mãi mãi không quên. Một ngày mà toàn dân ít ai biết đến, nhưng hơn hết con là “con người thợ điện” phải ghi nhớ, để ngày này năm sau con hy vọng con là người đầu tiên nói chúc mừng ba!

    Con cám ơn ba, con cám ơn các cô chú ngành điện đã đóng góp sức mình cho một xã hội phồn vinh, văn minh và hiện đại. Khi con ngồi học, con cám ơn ánh điện đèn đã thức cùng con! Khi con dùng máy tính con cám ơn người đã đồng hành cùng con! Khi con nằm ngủ dưới cánh quạt xoay tròn con biết quý trọng những giọt mồ hôi của chú thợ điện! Khi ánh đèn đêm lung linh cả phố phường con thấy quê mình thật đẹp, và thấy đằng sau ánh đèn lấp lánh là nụ cười hiền của chú thợ điện mỗi lần khắc phục xong sự cố, khi điện về lưới và nhà dân đã lên đèn!

    Là con gái “ con người thợ điện”

    Ba ơi! Tự trong sâu thẳm của lòng con, một đứa con gái đủ trưởng thành, con đã biết ý nghĩa của nghề ba chọn. Con đã hiểu, có một nghề thầm lặng những sớm hôm, tô sắc thắm cho cuộc đời thêm đẹp. Và ba ơi! Giờ con muốn được ngồi sau xe ba, để ba chở đến trường và con sẽ giới thiệu với bạn bè rằng: ba tớ làm nghề “ thắp sáng những ước mơ !”

                                                                                                                                                                                                                                                                         Trường Thành

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 209.558
Truy cập hiện tại 7